Những năm gần đây, với tốc độ đô thị hoá, công nghiệp hoá nhanh, Hà Nội đang phải đối mặt với sự ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng. Không chỉ bị ô nhiễm nguồn nước ngầm, mà nguồn nước mặt ở Hà Nội cũng đang trong tình trạng báo động.
Nước thải chưa được xử lý đổ thẳng ra sông, hồ
Theo số liệu nghiên cứu mới nhất từ Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất (TNMTNĐ) Hà Nội, lượng nước thải của TP đang ngày càng tăng cả về lưu lượng và nồng độ các chất ô nhiễm. Hầu hết lượng nước thải chưa được xử lý đều đổ thẳng ra sông, hồ và dự báo đến năm 2010 là 510.000m3/ngày.
Qua số liệu quan trắc, môi trường nước ở 4 sông và một số hồ ở Hà Nội đã bị ô nhiễm tới mức báo động, nhất là ô nhiễm các chất hữu cơ, nước sông đã bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm không khí xung quanh một cách trầm trọng. Ô nhiễm các sông thoát nước còn gây hậu quả đến ô nhiễm sông Nhuệ, sông Đáy, ảnh hưởng đến các tỉnh hạ lưu.
Hàm lượng amoni trong nước các hồ dao động thấp nhất là 0,58mg/l và cao nhất là 51,5mg/l, trong khi tiêu chuẩn cho phép đối với nguồn nước loại B là 1mg/l; hàm lượng BOD dao động trong khoảng 13mg/l- 68mg/l, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 25mg/l; hàm lượng các chất ô nhiễm trung bình trong 4 con sông còn cao hơn nữa. Điều đáng quan tâm là các mẫu nước sông được quan trắc trong năm 2004 có nồng độ BOD, COD cao hơn từ 7- 10 lần so với nồng độ của các mẫu được quan trắc trong năm 1994.
Cũng theo đánh giá của Sở TNMTNĐ, cùng với ô nhiễm nguồn nước mặt, chất thải rắn phát sinh ngày càng lớn, tính độc hại ngày càng tăng, công tác quản lý chất thải rắn chưa đáp ứng yêu cầu. Tổng lượng chất thải rắn phát sinh của Hà Nội khoảng 1.500 - 1.600 tấn/ngày, chất thải công nghiệp nguy hại khoảng 24.000- 25.000 tấn/năm.
Tỉ lệ các thành phần nylon, caosu, kim loại, thuỷ tinh trong chất thải rắn đô thị ngày càng tăng. Trong khi đó, tỉ lệ thu gom chất thải sinh hoạt mới đạt tối đa là 80%, chất thải y tế đạt trên 90% và tỉ lệ thu gom đối với chất thải rắn nguy hại còn thấp; công tác phân loại tại nguồn, tái chế, tái sử dụng còn bất cập, xã hội hoá quản lý chất thải rắn còn ở tình trạng manh mún với tỉ lệ chôn lấp chất thải rắn quá lớn.
Hạn chế ô nhiễm bằng cách nào?
GS-TS khoa học Phạm Ngọc Đăng (ĐH Xây dựng Hà Nội) cho rằng, Hà Nội không nên xây dựng các trạm xử lý nước tập trung ở nội thành cũ, tách nước thải từ hệ thống thoát nước hiện nay chuyển về Yên Sở, không cho phần lớn nước thải chảy vào sông hồ.
Về quản lý chất thải rắn, Hà Nội nên áp dụng các biện pháp khoa học, công nghệ và xã hội hoá để thu gom 100% và giảm tỉ lệ chất thải rắn phải chôn lấp xuống 50% vào năm 2010.
Hiện Hà Nội đang tích cực xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo đó, đã hình thành một số cụm công nghiệp ở ngoại thành để di chuyển các cơ sở này ra khỏi nội thành. Tuy nhiên, sau khi thành lập một số quận mới thì các cụm công nghiệp này lại ở ngay trung tâm quận mới, như quận Hoàng Mai.
Hơn nữa, quy hoạch bố trí các khu công nghiệp không hợp lý, đã tạo thành vành đai bao quanh thành phố, bất cứ hướng gió nào cũng đẩy không khí ô nhiễm công nghiệp vào trung tâm TP. Do vậy, theo các nhà khoa học, chủ động và tích cực nhất trong việc giảm thiểu ô nhiễm do công nghiệp gây ra ở Hà Nội là đẩy mạnh áp dụng công nghệ sản xuất sạch, đồng thời phải đặc biệt chú ý đến công tác quy hoạch, kiến trúc và xây dựng.
(Theo laodong.com)
Bài viết liên quan
- Môi trường nước đang xuống cấp nghiêm trọng (06/10/2022)
- 90 nước thải ra môi trường chưa qua xử lý (06/10/2022)
- Xử lý nước thải trong công nghệ mạ (06/10/2022)